Một barista chính hiệu là một nghệ sĩ bậc thầy trong việc pha chế cà phê.
Xét về chuyên môn, nếu bartender chuyên pha chế các thức uống từ rượu thì barista là danh từ gọi chung những người pha chế cà phê và sáng tạo nên các hỗn hợp thức uống đẹp mắt và ngon miệng như cappuccino, latte, espresso…
Đã qua rồi thời những quán “cóc” ven đường với hình ảnh ly cà phê phin nhỏ giọt lãng đãng. Sự hội nhập những trào lưu văn hóa nước ngoài đã đem đến cho giới trẻ sành ẩm thực một cách thưởng thức cà phê hiện đại và cầu kỳ hơn. Cũng từ đó, nghề barista ra đời như sự cung ứng kịp thời cho nhu cầu thưởng thức một tách cà phê ngon.
Anh Duy Thanh, một barista có kinh nghiệm hơn 3 năm làm việc tại quầy pha chế của một khách sạn cho biết: “Xuất phát điểm của nghề khá đơn giản, chỉ với một khóa đào tạo 3 tháng, bạn đã có thể đi làm với mức lương tầm 5 triệu đồng. Cơ hội mở ra cho những ai đam mê nghề là rất cao, vì bạn có thể thăng tiến lên những vị trí cao hơn như quản lý hoặc chuyên viên đào tạo pha chế với thu nhập trên 10 triệu đồng”. Chưa hết, các barista sau thời gian học nghề ở các trung tâm đào tạo hoặc vừa học vừa làm tại các cửa hàng sẽ có đủ kinh nghiệm để đứng ra mở một quán cà phê của riêng mình.
Bên cạnh các khóa học về barista tại những trung tâm đào tạo hoặc các trường dạy nghiệp vụ khách sạn (chuyên ngành pha chế), thì những thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới tại Việt Nam đều có khóa huấn luyện cho bất kỳ bạn trẻ nào muốn thử sức với nghề barista.
Điển hình như Starbucks Việt Nam luôn dành 4 tuần đào tạo hoàn toàn miễn phí cho những ứng viên muốn trở thành barista của cửa hàng. Không chỉ học về cách pha chế, họ còn được chỉ bảo rất nhiều kiến thức về từng loại cà phê cũng như cách cảm nhận sự khác biệt giữa các thức uống để phục vụ khách hàng tốt nhất. Sau 4 tuần đào tạo, nếu các học viên trải qua kỳ sát hạch thành công thì mới được chứng nhận là barista và trở thành nhân viên chính thức.
Công việc cụ thể của họ không chỉ pha một tách cà phê thơm ngon, mà đòi hỏi cả tính nghệ thuật. Thế nên, mỗi thức uống do barista phục vụ được ví như một tác phẩm kỳ công cần nhiều sự khéo léo. Điển hình như cappuccino và latte dù cùng một cách thức pha chế là có một lượng cà phê espresso dưới đáy ly nhưng cách thêm sữa tươi vào lại hoàn toàn khác nhau.
Barista phải dùng máy pha cà phê để khuấy nhiệt vào sữa tươi, làm cho chất béo được đun nóng và sệt lại, tạo thành lớp bọt mịn. Cappuccino có lớp bọt này khá dày (khoảng 2 – 3 cm) nằm trên cùng rồi mới đến một phần sữa nóng ở giữa và cà phê espresso đậm đặc ở dưới, trong khi latte có lớp bọt mỏng hơn, còn phần sữa tươi đun nóng nằm ở giữa lại nhiều hơn.
Làm giàu với cà phê
Một barista chính hiệu là một nghệ sĩ bậc thầy trong việc pha chế cà phê. Ngoài ra, họ còn là một quyển “từ điển sống” về cà phê: từ lịch sử của từng loại, quá trình rang, xay, cho đến cách pha chế sao cho dậy mùi thơm nhất… Những barista lành nghề và nhiều năm kinh nghiệm trên thế giới được gọi bằng danh xưng “master” (bậc thầy). Trong chương trình Coffee College 2013 do Starbucks tổ chức cho giới truyền thông Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một bậc thầy pha chế là cô Patty Romaine Moody đã cho thấy nghề barista không đơn thuần là một người pha cà phê hay bưng bê rót nước. Ngược lại, họ phải rất tinh tế cả trong vị giác lẫn khướu giác để nhận ra đâu là loại cà phê phù hợp nhất cho khẩu vị từng người.
Chưa kể, với độ đậm nhạt khác nhau của từng loại hạt, từng cách rang cà phê (nhẹ, vừa hoặc chín) thì vị cà phê sẽ thích hợp cho từng khẩu vị khác nhau. Thậm chí, bạn có thể vừa thưởng thức cà phê kèm các món ăn mặn và kết hợp với rượu vang. Vị mặn của bữa tối kèm vị chát của rượu khi hòa cùng vị đắng của cà phê sẽ tạo nên một “buổi yến tiệc” đúng nghĩa cho vị giác. Tất nhiên, để chọn đúng loại cà phê nào phù hợp với loại rượu vang nào thì hẳn nhiên bạn cần sự tư vấn của một barista lẫn bartender lành nghề. Vì lẽ đó mà ngay cả đại diện của Starbucks Việt Nam cũng khẳng định: “Thành bại của một thương hiệu cà phê phụ thuộc 100% vào các barista”.
Bậc thầy barista Patty cho biết: “Một tách cà phê ngon có thể làm hầu như bất cứ điều gì, thậm chí thay đổi cuộc sống của cả người trồng cà phê lẫn khách hàng trên toàn thế giới”. Thực tế tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy đúng như vậy. Những bạn trẻ bắt đầu yêu mến công việc này và xem nó không chỉ như một công việc kiếm sống, mà còn là một niềm đam mê. Thêm vào đó, từ những kinh nghiệm làm barista trong các nhà hàng, khách sạn, hệ thống cửa hàng cà phê quốc tế… mà họ có được những vốn liếng để tự gầy dựng các cơ sở kinh doanh riêng cho mình. Điển hình như hiện nay rất nhiều quán cà phê dạng “take-away” đã xuất hiện với những món uống được trình bày đẹp mắt.
Đặc điểm của những quán này là diện tích nhỏ (dưới 40m2), chỉ đủ chỗ cho 20 – 25 người ngồi. Chi phí đầu tư ban đầu chỉ từ 35 – 40 triệu đồng (từ bàn ghế đến máy pha cà phê). Nếu nhờ các công ty cung cấp cà phê chu toàn mọi khâu thì tốn khoảng 60 triệu đồng, bạn chỉ vào bán ngay. Cộng với tiền mặt bằng từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, bạn chỉ cần bỏ ra tiền đặt cọc mặt bằng và vốn ban đầu trong khoảng 70 – 100 triệu đồng là có thể bắt đầu một quán cà phê hợp thời. Với mức đầu tư này, mỗi ngày bán 70 – 80 ly là đạt điểm hòa vốn, trên mức đó là có lời.