Nghề “hot” bartender: Đầy sẹo và cám dỗ. Chủ tịch Hội Bartender Sài Gòn cho biết, hầu hết các khách sạn, resort cao cấp từ 3 – 5 sao đều có quầy bar và nhiều quán ăn, nhà hàng lớn cũng có quầy bar nên rất cần một lượng lớn bartender…
Một bartender (người pha chế thức uống) tung hứng những dụng cụ lắc rượu trong các quán bar khiến bao ánh mắt trầm trồ thán phục. Song đằng sau những những màn khuấy động ấy, bartender phải trả giá rất đắt như phải đổ máu, bị sa ngã vào con đường nghiện hút…
Đổ máu vì nghề
Dáng người nhỏ nhắn, tưởng chừng như yếu ớt nhưng khi nhìn Trần Ngọc Trân tung 3 – 4 chai rượu cùng dụng cụ lắc rượu tung hứng lên cao rồi lại vòng tay ra sau bắt lấy nhẹ nhàng, thoăn thoắt xoay chuyển các vỏ chai trên cổ tay… trong vòng 15 phút khiến nhiều người phải ồ lên thích thú.
Trân chuẩn bị biểu diễn tung hứng các chai rượu. Ảnh TN
Trước đó, một nhóm gồm 4 bạn trẻ cũng biểu diễn tung hứng cùng các dụng cụ này nhưng không may mắn như Trân, các chai rượu khi bị tung lên đã rơi xuống và vỡ tan thành từng mảnh khiến cả 4 bạn lúng túng. Sau khi tiếp tục lấy thêm các chai rượu đặt trên bàn để diễn tiếp thì những chai rượu lại tiếp tục bị rơi xuống đất khiến nhiều người đứng gần sợ hãi, dạt sang một bên để tránh những mảnh thủy tinh bắn vào người.
Lý giải điều này, Trân cho biết, cả 4 bạn trẻ này mới chỉ học nghề bartender được 2 tháng nên kinh nghiệm còn non yếu. Để luyện được những chiêu công phu, Trân phải mất hơn 4 năm trời. Trong suốt thời gian ấy, Trân liên tục phải đổ máu vì tính chất nguy hiểm của công việc.
Cô gái tâm sự, học xong lớp 12, Trân đi thi đại học nhưng không đậu nên xin làm phục vụ tại một quán rượu, một tháng cũng được 700.000 đồng. Sau đó, thấy bạn bè đổ xô đi học nghề bartender nên Trân cũng đăng ký học theo và cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, thời gian học rất ngắn, chỉ có 3 tháng chỉ đủ để các học viên biết những kiến thức cơ bản về pha chế đồ uống và làm một số kỹ thuật tung hứng.
Để nâng tay nghề, Trân cùng một nhóm bạn thường lấy công viên Gia Định làm sân tập. “Ngày nào cũng thấy tụi em ôm chai lọ ra tập, những người trong công viên thường nói chúng em là lũ chơi bời, ra đây tụ tập phá đám. Có ai hỏi thì tụi em nói là làm bartender nghĩa là pha chế thức uống. Vì đây là thuật ngữ khá lạ nên nhiều người lại xì xầm bàn tán: chắc làm ở quán bar, suốt ngày ăn nhậu và chơi dữ lắm. Có mấy ai biết bọn em phải tập đến đổ máu”.
Động tác giữ thăng bằng chai rượu trên tay của Trân. Ảnh TN
Chỉ vào những vết sẹo chi chít trên cánh tay, Trân tiếp: “Đây là kết quả của những tháng ngày tập tung chai thủy tinh và bị rơi trúng vào người. Em vẫn còn là may, nhiều đứa trong nhóm em bị thủy tinh vỡ cứa vào mặt, mắt, vai, lưng. Chính vì nguy hiểm như thế nên mới đầu nhóm hơn 30 đứa nhưng sau chỉ còn em là chịu được nghề này cho đến bây giờ”.
Không chỉ khi luyện tập mới gặp sự cố mà ngay cả khi đi làm, nhiều bartender cũng gặp không ít những sự cố. Trong đó, việc làm vỡ những chai rượu bình dân là chuyện thường ngày, nhưng trúng phải những chai rượu đắt, họ phải đền vài tháng lương.
Theo tìm hiểu của PV, mức lương trung bình của một bartender ở một quán bình thường chỉ vào khoảng 2 – 2,5 triệu/tháng, tại những quán sang trọng giá cũng chỉ lên đến 3 – 3,5 triệu/tháng. Tuy nhiên, thông thường, các nhân viên pha chế sẽ được nhận thêm tiền “tip” – tiền khách thưởng riêng cho họ.
Cạm bẫy bủa vây các Bartender
Thương tích đầy mình chưa phải là những nỗi đắng cay, cực nhọc khi nhắc đến nghề bartender, mà những cạm bẫy trong nghề nhạy cảm này mới khiến nhiều bạn trẻ trượt dài trong những tháng ngày đen tối.
Biểu diễn với 2 chai rượu bốc lửa. Ảnh TN
Từng chứng kiến nhiều bạn bè sa ngã khi bước vào con đường này, Trân cho biết thêm, do quầy bar nằm ngay trung tâm của quán, được bủa vây xung quanh bởi những vị khách. Nếu bartender là nam dễ rơi vào con đường nghiện rượu, chơi thuốc. Nếu là nữ càng dễ bị sa ngã hơn, bởi khi khách thích một nữ bartender nào đó sẽ rủ họ cùng chơi thuốc lắc, lâu dần thành nghiện.
Như M. chẳng hạn, dù còn rất trẻ nhưng đã cặp với người đáng tuổi cha chú mình để được trợ cấp chi tiêu, thỏa mãn vòng xoáy ăn chơi chốn vũ trường, quán bar… Kết quả của những tháng ngày ăn chơi của M. là một thân hình tàn tạ và thất nghiệp.
Những vết sẹo đầy trên người là điều không thể tránh khỏi khi là một bartender
“Chúng em thường chỉ sống về đêm, công việc kết thúc sớm nhất vào lúc 11h đêm và trễ nhất vào lúc 4h sáng, nên khó tránh khỏi những cám dỗ lắm. Bản thân em cũng nhiều lần bị chủ quán rủ rê, mời mọc hút bồ đà nhưng lần nào em cũng trả lời khéo: Anh cho em hút một lần rồi còn những lần sau nữa, lấy tiền đâu em trả. Để lên đến chức vụ quản lý một quầy bar ở đây, em đã phải giữ mình lắm lắm, nhưng đến giờ vẫn chưa có bồ…”, Trân thở dài.
Là một thanh niên cao ráo, đẹp trai, tốt nghiệp nghề bartender loại giỏi nhưng khi mới bước chân vào làm việc ở quán bar, Huy đã “chạy mất dép”. Cậu nói: “Vì mình có tay nghề tốt nên chủ quán cũng thương không bắt mình phải làm quá khuya. Song làm được một, hai ngày, chủ quán kéo mình lại nhắc nhở: Em nên nhuộm tóc vàng đi cho nó sành điệu, thế mới hợp với phong cách quán. Rồi đến những đồng nghiệp cũng khuyên mình nên đi làm đẹp da mặt, đi xăm hình ở chỗ này chỗ nọ khiến mình phát hoảng lên. Cha mẹ sinh ra như thế nào thì giữ thế ấy nên mình quyết định xin nghỉ việc luôn và giờ thì làm trái ngành”.
Ông Võ Tấn Sĩ, Chủ tịch Hội Bartender Sài Gòn cho biết, hầu hết các khách sạn, resort cao cấp từ 3 – 5 sao đều có quầy bar và nhiều quán ăn, nhà hàng lớn cũng có quầy bar nên rất cần một lượng lớn bartender. Tuy nhiên, môn nghệ thuật này chỉ thu nạp những bạn trẻ có đủ bản lĩnh, sự đam mê, sự kiên trì mà thôi.
Theo Infonet
Theo dõi
0 Comments